Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Ti Vi Đức Mẹ - Tin Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 29/02/2012



Mời các bạn theo dõi Chương Trình Ti Vi Đức Mẹ , mục Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 29/02/2012.


Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Chương trình Ti Vi Ánh Sáng Tin Mừng ngày Chúa Nhật 26/02/2012



Mời các bạn theo dõi Chương trình Ti Vi Ánh Sáng Tin Mừng ngày Chúa Nhật 26/02/2012



Bạn có thể xem lại các Chương trình Ti vi Ánh Sáng Tin Mừng của các tuần trước tại đây

Ti Vi Đức Mẹ - Tin Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 27/02/2012



Mời các bạn theo dõi Chương Trình Ti Vi Đức Mẹ , mục Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 27/02/2012.


Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Điểm tin tuần ( 19/02/2012 - 26/02/2012 )



Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật Thứ I Mùa Chay (ngày 26/02/2012)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ I Mùa Chay:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật I Mùa Chay " của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân.



CHỈ VÌ THƯƠNG NÊN THIÊN CHÚA ĐƠN PHƯƠNG BAN ƠN CHO CON NGƯỜI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Quà và ơn

Sứ điệp thứ nhất mà Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay gởi đến chúng ta là: Thiên Chúa tặng quà cho chúng ta, Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta.

Người ta thường tặng quà vào những dịp nào? Những dịp tặng quà là Tết, đám cưới, sinh nhật v.v. Thường thì ai tặng quà cho ai? Người tặng quà thường là người có liên hệ tình nghĩa thế nào đó với người được tặng, chẳng hạn cấp dưới đối với cấp trên, học trò đối với thầy cô, người chịu ơn đền đáp cho người thi ơn. Vì thế có thể nói "quà" thường là thứ "có qua có lại".

Khi "có qua" mà không "có lại" thì gọi là "ơn" (Tiếng hy lạp Charis luôn bao hàm tính cách miễn phí). Các bài đọc hôm nay kể đến 2 ơn mà Thiên Chúa ban cho loài người:

•Ơn ban sự sống (xem phần giải thích bài đọc I): vì loài người tội lỗi nên bị phạt phải chịu nạn hồng thuỷ. Nhưng Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Nôe. Sau khi cơn hồng thuỷ kết thúc, Thiên Chúa lập giao ước rằng từ nay sẽ không bao giờ Ngài cho xảy ra một đại họa như thế nữa. Ðây là một giao ước đơn phương: Thiên Chúa không buộc loài người làm gì cả, chỉ một mình Ngài hứa và cam kết giữ lời hứa ấy. Sau này loài người lại tiếp tục phạm tội nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với lới cam kết đơn phương ấy.

•Ơn ban sự sống mới qua bí tích Rửa tội (Xem phần giải thích Bài đọc 2): chúng ta đâu có công gì để được ơn này, nhưng Thiên Chúa đã ban chỉ vì yêu thương chúng ta.

Khi nhận quà thì ta mừng, khi nhận ơn thì ta cảm động. Vậy, Thiên Chúa tặng quà cho chúng ta, chúng ta có mừng không? Và còn hơn quà nữa, Thiên Chúa luôn ban ơn cho chúng ta, chúng ta có cảm động không?

* 2. Ý nghĩa Mùa Chay

a/ Một thời gian cầu nguyện: Ngày xưa, Môsê đã ở trên núi Sinai 40 ngày, ngôn sứ Êlia cũng ở trên núi Horép 40 ngày. Trong thời gian đó, các ngài đã cầu nguyện và đã gặp được Thiên Chúa. Trong thời gian 40 ngày Mùa Chay, việc đầu tiên chúng ta phải để ý làm là cầu nguyện như các ngài.

b/ Một thời gian chiến đấu: Ngày xưa ông Nôê ở trong tàu 40 ngày chiến đấu với phong ba bão táp của cơn hồng thuỷ ; Ðức Giêsu sống trong sa mạc 40 ngày chiến đấu với những cơn cám dỗ của Satan. Noi gương các Ngài, chúng ta cũng hãy chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những thói quen tội lỗi và những cám dỗ trong Mùa Chay này.

c/ Một thời gian sám hối và đón nhận Tin Mừng: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã mời gọi "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Sám hối là từ bỏ con đường sai lạc cũ để quay về con đường chính. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng quan tâm hơn đến việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa.

* 3. Chiếc cầu vồng

Hình ảnh chiếc cầu vồng của bài đọc I vừa đẹp vừa gợi rất nhiều ý cho chúng ta suy gẫm trong Mùa Chay:

•Chiếc cầu vồng là một đường cong bắt đầu từ đất, vươn lên trời cao, rồi lại trở xuống mặt đất. Chính vì thế mà Thiên Chúa dùng nó làm dấu chỉ giao ước giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa với loài người.

•Sau cơn mưa, trời lại sáng và chiếc cầu vồng xuất hiện rực rỡ. Như thế, chiếc cầu vồng còn là dấu chỉ giao ước được tái lập, trở lại tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu.

•Cầu vồng mang 7 sắc rất đẹp. Nó còn là dấu chỉ tương giao tốt đẹp giữa Thiên Chúa với con người.

Phải chăng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng rất tốt đẹp hồi thuở ban đầu, nhưng rồi do tội lỗi, chúng ta như rơi vào cơn bão lụt. Nhưng Thiên Chúa muốn cứu thoát chúng ta. Ngài kêu mời chúng ta tái lập liên hệ thân thương với Ngài trong Mùa Chay này, để rồi tình nghĩa giữa chúng ta với Ngài lại tươi đẹp như trước?

* 4. thiên đường đánh mất và thiên đường gặp lại

Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào sa mạc.

Trong phòng triển lãm tưởng tượng của chúng ta hôm nay, có bày bức tranh tứ bình, gồm hai cặp tranh đôi một đối xứng. Hai bức đầu, một bên vẽ cảnh sa mạc hoang vắng, Chúa đang bị Satan thử thách. Một bên vẽ cảnh bình yên thanh thản. Chúa đang ngồi giữa bầy dã thú đã trở nên hiền như chiên cừu. Hai bức sau, bên phải vẽ cảnh vườn địa đàng tươi đẹp. Ađam Eva trẻ trung đầy sức sống vui hưởng những ngày hạnh phúc giữa một thiên nhiên hài hòa hoa thơm quả ngọt. Bên trái, vẫn là Ađam, Eva, nhưng khuôn mặt hốc hác, trán nhăn nheo ướt đẫm mồ hôi, dáng hao gầy mòn mỏi vì mệt nhọc và già yếu, giữa một thiên nhiên khô cằn gai góc.

Ðó là thân phận con người sau khi sa ngã. Con người không còn thể sống hài hòa với Thiên Chúa, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình.

Nhưng Ðức Giêsu đã đến để đảo ngược tình thế. Ngài sống giữa sa mạc, một thiên nhiên thù nghịch. Ngài bị thử thách gay go. Nhưng rồi Ngài đã thắng nghịch cảnh và quỉ dữ: Ngài sống yên bình hài hòa giữa một vũ tụ đã được cảm hóa.

Chỉ bằng một câu ngắn, Marcô đã vẽ nên bức tranh tứ bình đó: "Ngài ở trong hoang địa bốn mươi này, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và các Thiên sứ hầu hạ Ngài".

Công trình tạo dựng thứ nhất của Thiên Chúa đã bị loài người phá hỏng. Chúa đến để tái tạo lại, làm công trình tạo dựng thứ hai. "Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng".

Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa, bắt đầu sứ vụ, Thần Khí Chúa đã ngự trên Ngài. Thần Khí ấy, cũng như trong ngày đầu cuộc tạo dựng, đang bay là là trên những vùng đất khô cằn khắc nghiệt, và hoang mạc đang dần dần trở nên xanh tươi, trổ hoa thơm quả ngọt.

Vậy ra thiên đường mà Ađam và Eva đã đánh mất vẫn còn đó, phía trước mỗi người. Nếu chúng ta biết "sám hối" và tin vào Tin mừng Ðức Kitô" chúng ta sẽ gặp lại thiên đường đã mất.

Mùa Chay 40 ngày thinh lặng sa mạc, hãy để lòng chúng ta lắng xuống để bị cám dỗ, bị lôi cuốn bởi lòng cậy trông hy vọng tìm lại thiên đường đã mất, nhờ Ðức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng ta.

5. Dã thú và thiên thần

Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay là một hình ảnh rất lạ: "Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người"

Câu này gồm 2 phần mang hai sắc thái khác hẳn nhau nhưng có liên hệ nhân quả với nhau:

•Phần đầu là một cảnh khó khăn "Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ": Ðức Giêsu bị Satan cám dỗ, như ngày xưa hai nguyên tổ Ađam Evà trong vườn Ðịa Ðàng, và như dân Do Thái trong sa mạc. Nhưng Ngài chiến đấu với những cám dỗ đó và đã chiến thắng.

•Phần sau là một cảnh thoải mái "sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người": (1) Trước khi hai nguyên tổ phạm tội, các ngài đã sống an hòa giữa các dã thú (xem St 2,19-20) ; Sau này khi mơ tới ngày tìm lại địa đàng đã mất, ngôn sứ Isaia cũng tưởng tượng cảnh con người và dã thú sống chung hòa thuận với nhau (xem Is 11,6-8: "Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng... Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang..." ; (2) Còn về hình ảnh các thiên sứ hầu hạ, Tv 91,9-12 hiểu rằng đó là ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho người nào biết nương tựa nơi Ngài ("Vì ngươi đã chọn Giavê làm nơi ẩn náu, Ðấng Tối cao làm chốn dung thân... nên Người ra lệnh cho các thiên thần gìn giữ ngươi trên mọi lối ngươi đi..."

Vì Ðức Giêsu đã chịu cám dỗ và chiến thắng chúng nên Ngài được hưởng sự an vui như đang sống trong vườn địa đàng và được Thiên Chúa đặc biệt che chở giữ gìn. Phần thưởng của Ðức Giêsu khuyến khích chúng ta can đảm chiến đấu với các cám dỗ.

6. Cạm bẫy

Người Eskimo bắc cực có một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy bộ lông làm áo da thú.

Thợ săn cáo mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.

Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không hề biết mình đang liếm máu của chính mình.

Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết.

*

Mùa chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa chay cũng là lúc dừng lại, để nhận những cám dỗ đang rình rập, những cạm bẫy đang bủa vây. Con cáo vì ham liếm máu tươi, mất cảnh giác nên đã không nhận ra được cạm bẫy chết người. Nếu cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.

Xã hội càng văn minh tiến bộ, con người càng gặp nhiều cám dỗ. Cám dỗ của thân xác đòi hỏi, hưởng thụ và chiếm đoạt. Cám dỗ của con tim mù quáng, đam mê và phóng túng. Cám dỗ của đầu óc cao ngạo, hám danh và trục lợi. Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu với những cám dỗ khêu gợi, mời mọc, kích thích giác quan. Bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cánh cửa mở ra trước cạm bẫy.

Sự bất ổn của nền văn minh hiện đại, và ảo ảnh của tương lai vẫy gọi, khiến chúng ta cứ trượt dài trên con dốc tội lỗi. Người tín hữu khôn ngoan luôn cảnh giác những cạm bẫy như thủy lôi trên giòng đời.

Chính Ðức Kitô đã phải liên tục đối phó với các cơn cám dỗ: "Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ" (Mc.1,13). Ðây không phải là cám dỗ một lần thay cho một đời, nhưng là cuộc cám dỗ triền miên trọn cả kiếp người. Wendell Philips viết: "Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là một giấc mơ".

Nếu đời người như cây sậy trước gió, dễ ngả nghiêng trước bao cuốn hút, chúng ta càng phải biết nương tựa vào một mình Chúa.

Nếu người đời tôn thờ khoái lạc, xa hoa hưởng thụ, chúng ta càng phải biết chay tịnh cõi lòng.

Nếu thế giới đầy hình ảnh vẫn đục, phô bày thân xác, chúng ta càng phải biết giữ gìn con mắt.

Có biết bao người mơ ước hy sinh cuộc đời nhưng lại không biết hy sinh những tật xấu của mình. Leon Tolstoi viết: "Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình". Vì chưng có một sự thật nhức nhối này, là canh tân người khác luôn luôn dễ hơn hoán cải chính mình.

7. Ðổi mới

Một hôm nhà vua đang đi dạo trên đường phố thì gặp một người ăn mày ngửa tay xin tiền. Nhà vua không cho tiền nhưng mời anh đến thăm hoàng cung. Khi vào tới hoàng cung rồi, người ăn mày vô cùng bối rối vì thấy quần áo rách rưới của mình quá tương phản với những y phục lộng lẫy của những người trong triều. Biết thế, nhà vua tặng cho anh một bộ quần áo mới.

Ít lâu sau nhà vua lại dạo phố, lại gặp người ăn mày này và ngạc nhiên khi thấy anh lại mặc bộ quần áo rách rưới trước kia. Tìm hiểu lý do thì nhà vua biết được rằng sở dĩ anh không mặc quần áo mới vì nếu như thế thì anh không thể tiếp tục sống bằng nghề cũ là ăn xin được nữa. Anh đã quá quen sinh sống bằng nghề ăn xin rồi, đến nỗi nay không biết phải làm gì nếu không tiếp tục ăn xin.

Câu chuyện trên muốn nói rằng thay đổi áo quần thì dễ nhưng thay đổi cách sống rất khó ; thay đổi bên ngoài thì nhanh nhưng thay đổi bên trong rất chậm ; và nhất là rất khó thay đổi thói quen.

Mùa Chay kêu mời chúng ta đổi mới, không chỉ đổi mới bên ngoài mà phải đổi mới tận bên trong con người mình, đặc biệt là thay đổi những thói quen xấu đã ăn rễ rất sâu trong con người chúng ta.

8. Mùa Chay và Mùa Xuân

Mùa Xuân là mùa đổi mới: cỏ cây hoa lá đâm chồi, nẩy lộc và ra hoa. Nhưng muốn có thế thì trước đó chúng phải chịu đựng một mùa thu ảm đạm, lá rụng, cành xơ xác... rồi một mùa đông trơ trụi, lạnh giá.

Mùa Chay đến đúng vào Mùa Xuân và cũng chính là Mùa Xuân của tâm hồn, có thể biến chúng ta thành những con người mới.

Lạy Chúa, xin giúp con đừng sợ hãi chấp nhận để cho những chiếc lá thói quen cũ phải rụng đi

Xin giúp con đừng sợ hãi phải đối diện với cảnh nghèo nàn trơ trụi của tâm hồn

Bởi vì có như thế thì Chúa mới có thể đổi mới con thành con người mới, xứng đáng là môn đệ tốt của Chúa.

Trong suốt mùa chay, Hội thánh mời gọi chúng ta cùng với Ðức Giêsu trải qua hai kinh nghiệm là: gặp gỡ Thiên Chúa và đấu tranh với sự dữ. Lạy Chúa ,xin giúp chúng con trong Mùa Chay này, biết cố gắng siêng năng cầu nguyện và đi dự lễ, để được nhiều ơn Chúa mà vượt qua mọi cơn cám dỗ.Amen.

Thánh Ca : Con Đường Nào Chúa Đã Đi Qua


HÃY CẢI THIỆN & HÃY TIN
Cha Mark Link, S.J.

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Trong Những Con Ðường Xấu Xa” (Down These Mean Streets). Tác phẩm mô tả việc ông cải tà qui chánh từ một người bị kết án tù, một người nghiện ma tuý, và cố tình giết người để rồi trở thành một Kitô hữu gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trên giường trong phòng giam của mình. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời anh. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt là cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm cùng giường với một tù nhân khác mà người ta gọi là “thằng ròm”. Vì thế anh chờ đợi. Sau khi đoán chắc rằng “thằng ròm” đã ngủ, anh leo ra khỏi giường và quì xuống nền bê tông lạnh ngắt để cầu nguyện. Anh kể lại: “Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi… Tôi nói với Ngài những lời mộc mạc… chứ không phải những lời hoa mỹ… Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng của tôi,… Tôi cảm thấy dường như tôi có thể khóc được… Đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói nho nhỏ đáp: “Amen”. Đó là tiếng của “thằng ròm”. Piri nói: “Thế là hắn nằm sấp xuống, đầu úp trên đôi tay khoanh lại, còn tôi vẫn quì yên lặng. Một lúc thật lâu không ai nói với ai. Rồi “Thằng ròm” nói nhỏ: “Tôi cũng tin Chúa!”. Hai người bạn trẻ nói chuyện với nhau một lúc lâu. Rồi Piri leo lên giường ngủ. Anh nói: “chúc Chico ngủ ngon nhé”. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

***

Câu chuyện này là một hình ảnh rất đẹp, minh hoạ những gì Đức Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay khi Ngài bảo: “Hãy cải thiện đời sống và hãy tin vào Phúc Âm”. Giáo huấn của Đức Giêsu gồm hai điều: trước hết là “cải thiện” đời sống của chúng ta. Sau đó là “tin vào Phúc Âm”, chúng ta hãy bắt đầu với điểm thứ nhất: cải thiện đời sống.

“Cải thiện” hay “cải tà qui chánh” nghĩa là nhìn nhận những gì xấu, không tốt đẹp trong đời sống của chúng ta, và sau đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng, nói khác đi là thẳng thắn đối diện với tội lỗi trong đời sống của ta, rồi cương quyết không tái phạm nữa. Như thế có nghĩa là bắt chước Piri Thomas nhìn nhận tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời sống của anh và quyết định làm một điều gì tốt đẹp để sửa lại chuyện đó.

Tất cả chúng ta đều có thể có những kinh nghiệm tương tự như Piri Thomas. Chúng ta cũng ý thức về những khuynh hướng xấu thỉnh thoảng làm hỗn loạn đời sống chúng ta. Chẳng hạn chúng ta ý thức về tính ích kỷ khiến chúng ta đặt quyền lợi của mình lên trên nhu cầu của tha nhân. Chúng ta ý thức về tính cao ngạo khiến chúng ta không muốn nhìn nhận những sai trái của mình. Chúng ta ý thức về tính lười biếng khiến chúng ta ngại giúp đỡ tha nhân. “Cải thiện” nghĩa là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống chúng ta và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.

Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ hai trong giáo huấn của Đức Giêsu. Ngòai việc cải thiện đời sống ra, Đức Giêsu còn yêu cầu chúng ta “tin vào Phúc Âm”. Nghĩa là tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và Ngài đến để cứu chúng ta. Nghĩa là tìm kiếm Đức Giêsu đặc biệt trong Bí Tích Hoà Giải, và nhận nơi Ngài sự tha thứ và chữa lành. Nghĩa là làm những gì Piri đã làm sau khi nhìn ra những gì xấu xa trong cuộc sống của anh. Anh đã quay về với Thiên Chúa để cầu cứu. Anh tin vào “Tin Mừng” cho biết rằng Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đến thế giới này để cứu chuộc những người tội lỗi như anh. Chính vì thế, câu chuyện của Piri Thomas là hình ảnh rất đẹp minh hoạ hai điểm trong giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Điểm thứ nhất là “cải thiện” đời sống. Điểm thứ hai là “Tin vào Tin Mừng” tin rằng Đức Giêsu đến để cứu giúp chúng ta.

Cách đây ít lâu, tác giả Kilian Mc Donnell đã thực hiện một cuộc thăm dò sâu sắc về những cuộc trở lại. Cuộc thăm dò ấy đã đáp ứng câu hỏi này: Tại sao có một vài nhà rao giảng Tin Mừng lại rất thành công trong việc làm cho thính giả hối cải như thế? Theo Mc Donnell, có một điều là họ theo giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Họ làm cho quần chúng nhìn nhận rằng mình là những kẻ tội lỗi, và họ giúp quần chúng quay về với Đức Kitô để được cứu độ. Ông nói: “Nhiều người không nhìn nhận Đức Kitô vì họ không nhìn nhận rằng chính họ là những kẻ tội lỗi. Nếu tôi không phải là người tội lỗi thì tôi đâu cần đến Đức Kitô”

Mc.Donnell kết luận: “Không ai mừng kính những mầu nhiệm của Đức Kitô một cách vui mừng, nếu trước tiên người đó không buồn rầu nhìn nhận rằng mình là kẻ có tội”. Bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta thực hiện hai điểm quan trọng ấy. Nó mời gọi chúng ta nhìn nhận mình là những kẻ có tội, và quay về với Đức Giêsu để được cứu độ.

Điều đó khiến chúng ta đi đến một nhận xét quyết định. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta như thể dẫn chúng ta vào mùa chay một cách tốt đẹp. Qua các thế kỷ, các Kitô hữu đều nhận thấy mùa chay là thời gian Thiên Chúa ban ân sủng cách đặc biệt, nhất là để giúp ta cải thiện đời sống

Nếu chúng ta muốn tìm một phương thế đặc biệt để sống tinh thần mùa chay năm nay, thì không có phương thế nào tốt hơn là coi mùa chay như một cơ hội thuận tiện để tái khám phá ra quyền năng của Bí tích hoà giải và sự bình an này, chúng ta thực hiện những gì mà Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta làm, chúng ta hãy nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình và nhận Ngài làm cứu Chúa của ta.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về một đoạn như thư của thánh Phaolô nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình và nhận Đức Giêsu làm Cứu Chúa của mình. Thánh Phaolô viết:

“Tôi không hiểu những gì tôi làm, vì tôi không làm những gì tôi muốn làm, mà lại làm những gì tôi không muốn làm,…vì ngay cả khi tôi muốn làm điều tốt thì tôi cũng không làm được. Tôi không làm điều tốt tôi muốn làm mà lại làm điều xấu tôi không muốn làm… Thật tôi là người vô phúc biết bao. Ai sẽ cứu tôi khỏi cái thân xác đang dẫn tôi tới cái chết này?….. Tạ ơn Thiên Chúa… người đó là Đức Giêsu Kitô!”

Thánh Ca : Chúa Là Con Đường


CHÚA ĐÃ KÝ GIAO ƯỚC VỚI MỌI SINH LINH
Fr. Jude Siciliano, OP.

Thưa quý vị,

Ðêm đầu tiên tuần cấm phòng mùa chay năm ngoái, tôi lưu ý đến một nhóm người trẻ đi dự tĩnh tâm. Trong đó có đôi vợ chồng ẵm đứa con thơ trên tay. Một số người nòng cốt của giáo xứ và một nhóm hổ lốn khác nữa. Họ rất năng động và nhiệt thành, cầu nguyện sốt sắng trong các buổi phụng vụ chung. Họ gắn bó với nhau không hẳn vì đã quen biết cho bằng tinh thần cộng đoàn. Ðiều đó làm tôi rất cảm kích và thán phục. Sau một buổi phụng vụ, tôi đến gặp họ và tự giới thiệu. Tôi hỏi họ có phải là láng giềng với nhau không hay cùng ở trong một nhóm lao động ? Một người đàn bà trẻ trả lời: "Thưa cha chúng con là những dự tòng đến học giáo lý." Câu trả lời làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên. Nó giải thích đầy đủ lòng nhiệt thành, tính cộng đoàn và những đêm cầu nguyện hàng tuần chung của một số người trong giáo xứ. Tôi ước ao toàn thể giáo xứ, những tín hữu đạo gốc, noi gương họ, rũ bỏ được tính ươn lười cố hữu mà nhiệt thành tham dự các buổi tĩnh tâm hàng năm theo luật định.

Mùa chay năm nay tôi lại nhớ đến nhóm người "tân tòng" đó. Họ khích lệ và kêu gọi chúng ta tiến vào hành trình chay tịnh một cách đầy đủ và sốt sắng. Dĩ nhiên một trong các công việc mùa chay là sửa soạn cho các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa tội. Nhưng nó cũng bao gồm hết thảy mọi tín hữu, suốt năm đã sao lãng bổn phận đạo đức, đã đi lạc đường Phúc âm hoặc lại rơi vào tính mê tật xấu cũ, những vết xe đổ mà mình đã hơn một lần hạ quyết tâm từ bỏ. Mùa chay là cơ hội tốt để mọi tín hữu bồi dưỡng lòng tin của mình, thêm cho nó sức sống mới, khoẻ khoắn và vui tươi. Ðây là dịp quý báu để chúng ta canh tân sự dấn thân Phúc âm của bí tích Thánh tẩy mà chúng ta sẽ khấn hứa lại trong đêm Phục sinh sắp tới. Từ lúc này chúng ta phải hướng toàn thể tâm hồn, thân xác vào công việc đó mới hy vọng thành công. Muốn khẳng định đời sống thiêng liêng trong Chúa Giêsu chúng ta phải nỗ lực hết sức xa tránh tội lỗi, thói xa hoa của thế gian và lòng tham ích kỷ. Ðừng coi thường sức mạnh của tội lỗi, nó có khả năng nhận chìm tất cả nhân loại xuống địa ngục như nước đại hồng thuỷ thời ông Nôe đã nhận chìm con cháu loài người.

Người ta kể rằng có một lực sĩ rất khoẻ thuộc phái thể công, tức dùng khí nội lực mà làm nên sức mạnh diệu kỳ. Anh đã từng lên gồng để cho một chiếc xe vận tải chạy ngang qua bụng. Lần kia, anh gặp một cụ già tóc bạc, râu trắng và khoe với cụ về võ thuật của mình. Cụ già cười nói: "Ông không chịu nổi nửa lít nước đâu". Người lực sĩ khinh bỉ cụ ra mặt: "thử xem". Lập tức người ta đem đến nửa lít nước, cụ bảo người lực sĩ úp bàn tay, rồi cho nước chảy từng giọt, từng giọt với độ cao vừa phải, từ mái tranh xuống đất. Nếu tính chính xác thì nửa lít nước có 11.520 giọt. Ðộp ! Ðộp ! những giọt nước rơi đều đều trên mu bàn tay anh lực sĩ. Tới giọt thứ 4200 các gân cốt bàn tay anh lực sĩ xưng lên đau đớn. Tới giọt 7320 người lực sĩ ngất xỉu, người ta phải khiêng anh đến bệnh viện cấp cứu. Ðó là hình ảnh mỗi linh hồn phải gánh chịu sức ép của tội lỗi. Tuy mắt trần không thấy, nhưng thực tế, trong đời sống thiêng liêng từng tội, từng tội sẽ nghiền nát bất cứ linh hồn nào sống trong sự kìm kẹp của nó.

Vì lẽ đó chúng ta có câu truyện Thiên Chúa cứu vớt gia đình ông Noe và lập giao ước với loài người trong bài đọc I hôm nay. Giao ước xảy ra ngay sau khi nước rút, tuy tác giả Do Thái chỉ có ý nói đến liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel, nhưng mọi sinh vật đều được bao gồm : "Ðây Ta lập giao ước với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi…". Vậy thì rõ ràng ngầm ý: Chúa là Thiên Chúa mọi tạo vật đã thề hứa với mình là không phá huỷ trái đất nữa, mặc dù về tương lai loài người còn phạm tội, chúng ta còn sai lỗi. Cái dấu chỉ của giao ước một chiều này là cầu vồng ngũ sắc. Mỗi lần mưa xong thì nó mọc ở chân trời, đối diện với ánh sáng mặt trời. Nó không phục vụ chúng ta như dấu chỉ nhắc nhớ giao ước mình đã ký, nhưng là hiệu lệnh Thiên Chúa hằng thương yêu nhân loại.

Cho nên mặc dù chúng ta trôi dạt đến đâu về luân lý, mặc dù chúng ta lãng quên Thượng đế đến thế nào đi nữa, Ngài vẫn không hề sao lãng bổn phận của mình với chúng ta, (xin nhớ lại giao ước Ngài lập với Abraham mà tôi giải thích những năm trước). Ðúng là một lòng thương xót vô bờ bến, chúng ta không bao giờ ca ngợi cho cân xứng. Vậy nên mùa chay này xin mọi linh hồn hồi tâm suy nghĩ về những thái độ của mình đáp trả tình thương đó ra sao ? Vô ơn bội bạc hay thiết tha mến yêu ? Phần lớn thì chúng ta bội bạc, vô ơn, quá tệ xét như một thụ tạo trước tôn nhan Ðấng Tạo Hoá tràn trề yêu thương. Do đó, từ đầu mùa chay năm nay, chúng ta hãy miệt mài suy gẫm về nội dung giao ước Thiên Chúa ký kết với loài người qua đại diện Noe để nhận ra lòng Ngài rộng rãi, ngõ hầu được lôi cuốn đến cùng tình yêu thương vĩ đại đó. Khi quay lưng từ chối các thần thánh giả tạo của thế gian như tiền tài, sắc dục, quyền bính… chúng ta chẳng có chi phải khiếp sợ, lo âu bởi đã nắm vững ý định của Thượng đế là ký kết giao ước với mọi sinh vật. "Từ đây, mọi xác phàm sẽ không bị nước hồng thuỷ tiêu diệt nữa." Ngài luôn trợ giúp và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống.

Như thường lệ mùa chay, Chúa nhật thứ nhất đọc về các cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa Palestine. Mỗi tác giả nhất lãm đều có bản văn riêng của mình. Năm nay là bản văn của thánh sử Marcô. Ông viết rất ngắn, rất gọn gàng, chỉ trong hai câu 12 và 13 của chương một, gồm 32 chữ, bỏ đi hầu hết các chi tiết trong trình thuật Luca và Matthêo. Chúng ta có khuynh hướng lấp "đầy" chỗ trống bằng cách gợi lại nội dung của các bản văn khác. Theo ý tôi thì không nên, hãy cứ tôn trọng bản văn của Marcô và khám phá ra những gì ông muốn nói với chúng ta trong mùa chay này.

"Thần khí Chúa liền đẩy Người vào hoang địa. Ngài ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Ngài". Toàn bộ bản văn chỉ có thế. Nhưng nội dung thì mênh mông, phong phú. Mấy dòng trước đó, thánh Gioan tiền hô đã hứa : "Người đến sau tôi, quyền năng hơn tôi". Như vậy theo Marcô, Chúa Giêsu là Ðấng quyền năng. Ngài rất mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ. Chúng ta nhớ kỹ điều đó trong tinh thần mùa chay này, mùa chay mang đặc tính Marcô. Ðây là điểm tựa để chúng ta quyết định thay đổi thái độ lừng khừng. Nhiều người cho rằng : Chẳng qua trong cuộc đời, mùa chay cũng chỉ là một giai đoạn của những chuỗi ngày dài dằng dặc "thường hằng bất biến". Nói cách khác, nó là một câu truyện thường nhật mang tính chu kỳ hàng năm. Rõ ràng chúng ta thiếu lòng nhiệt thành của các tân tòng tôi nói ở trên. Quen quá hoá nhàm, đã trải qua vài lần mùa chay, chúng ta không thấy nó là quan trọng, là ích lợi to lớn nữa.

Thật tai hại ! Làm sao chúng ta có thể lợi dụng ân huệ mùa chay để canh tân, đổi mới tâm hồn ? Làm sao chúng ta có thể tập trung ý chí, nghị lực để thay đổi nếp sống ? Làm sao chúng ta biết được lãnh vực nào trong tâm linh cần sửa đổi, bồi dưỡng ? Thánh Gioan nói tiếp : "Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần". Như vậy nguồn mạch đổi mới của chúng ta là Thánh Thần. Ngài sẽ đổ vào lòng chúng ta ước vọng canh tân và thúc đẩy ước vọng đó sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa cho chúng ta bằng Thần khí của Ngài trong mùa chay này để tâm hồn chúng ta lại được mới mẻ, bỏ đi tính ươn lười, trì độn. Như vậy mùa chay đúng là cơ hội của hy vọng, trong đó chúng ta khám phá ra điều không thể thực hiện được đối với mình, thì Thiên Chúa làm được dễ dàng.

Dân tộc Israel trải qua 40 năm trong hoang địa khô cằn. Họ đã bị thử thánh và đã ngã gục. Chúa Giêsu lúc này cũng ở sa mạc 40 ngày. Ngài cũng bị cám dỗ nhưng đứng vững. Ngài đã sống với thú dữ suốt thời gian đó. Ðối với chúng ta, đó là nơi ghê gớm đầy sợ hãi. Nhưng trong Ðức Ki-tô, Thiên Chúa đã hoà giải nhân loại với thiên nhiên ! Hoang dã đã mất tính thù địch với con người. Vương quốc bình an đã ló rạng. Ðúng như tiên tri Isaia loan báo (Is 65, 25). Trên bình diện siêu nhiên, mùa chay cung cấp cho chúng ta cơ hội quí báu để đối diện với các "thú dữ" của bản năng nhân loại trong con người của mình. Ðó là tính ích kỷ, bạo hành, tham lam, vô độ, độc ác, hung hăng, gây hấn, những con lợn lòng ma quái, những dục vọng không kiềm chế… Hiện thời chúng đang ngự trị từng cá nhân, quốc gia và thế giới. Mở tivi, radio, báo chí, tức khắc chúng ta nhận ta chúng có mặt. Chúng không hề bị chế ngự, ngược lại còn được cổ võ, khuếch đại. Than ôi ! Ðáng lý chúng không hề có quyền bính nào trên chúng ta, bởi đã được Chúa Giêsu ban phép rửa trong thần khí dũng mãnh của Ngài. Ðấng đã trải qua thử thách trong hoang địa và đã chiến thắng, đã hoà giải những thế lực đối kháng của thiên nhiên.

Nhưng cũng trong hoang địa, nơi đầy rẫy thử thách và thú dữ, chúng ta cũng được thánh Marcô thuật lại là "có các thiên sứ hầu hạ Ngài". Một tin mừng hết sức phấn khởi và an ủi. Trong cuộc sống không thiếu những lúc chúng ta cảm nhận khó khăn, những vật lộn, những cám dỗ. Có một lực nào đó vô cùng mãnh liệt, vô cùng nguy hiểm lôi kéo chúng ta xuống vực thẳm tội lỗi và chúng ta cảm thấy hết sức cô đơn.

Tuy nhiên Phúc âm hôm nay cho chúng ta biết "Có các thiên sứ hầu cận". Chẳng hiểu bao lâu, cứ như ý của bản văn là 40 đêm ngày. Phấn khởi biết mấy ! Vậy thì còn sợ chi những tăm tối của thế gian ? Một thói xấu khó bỏ ư ? Xì ke ma tuý ư ? Bệnh tật hết đường cứu chữa ư ? Người thân qua đời ư ? Tai nạn bất ngờ ư ? Thất nghiệp, không công ăn việc làm, đổ vỡ kinh tế ư ? Vợ chồng ly dị, con cái đi hoang, bụi đời ư ? Hoặc trăm ngàn khó khăn khác cũng chẳng thể làm chúng ta nao núng. Bởi đã có thiên thần hầu cận. Thiên thần đây có thể là cha mẹ, ông bà, bạn bè, hàng xóm tốt bụng, các nhóm đạo đức, ân nhân vô danh, mẹ Têrêsa thành Calcutta. Thánh Martinô de Porres, linh mục Piô năm dấu v.v… Danh sách là vô tận. Họ đều sẵn sàng tận tình giúp đỡ chúng ta vượt qua gian nan thử thách của cuộc sống, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Miễn là chúng ta noi gương họ, lưu lại trong gương lành của họ, nghe theo tiếng gọi của Chúa Giêsu hôm nay : "Hãy sám hối vào tin vào Tin mùng ".

Tóm lại, hoang địa của chúng ta là cuộc sống, với những khó khăn nhọc nhằn, với những sai lỗi, đi hoang, với những lo âu thất nghiệp, với những khắc khoải mong chờ một tương lai tươi sáng hơn, với những cám dỗ thoả hiệp cùng thế gian ma quỉ. Dân tộc Do thái thời xưa đã thất bại. Họ đã phản bội Thiên Chúa ngay trên cánh tay yêu thương của Ngài. Nhưng Ngài vẫn trung tín, dẫn đưa họ qua sa mạc vào đất hứa tràn trề sữa và mật ong. Mỗi lần cầu vồng xuất hiện là một lần nhắc nhớ chúng ta Ngài vẫn trung thành với giao ước Ngài lập cùng mọi sinh vật trên địa cầu. Vậy thì Ngài chẳng để chúng ta vượt "sa mạc" một mình nhưng luôn thăm viếng bằng nhiều đường lối mầu nhiệm thần linh khác nhau. Và như thế, tương lai mùa chay thật là tươi sáng cho mọi tín hữu. Amen.

Thánh Ca : Một Thân Phận Một Đời Người

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Xem phim TQ : Binh Pháp Tôn Tử và 36 Kế - 2000 (36 tập)



Tên phim : Binh Pháp Tôn Tử và 36 Kế
Đạo diễn: Trương Trí Thắng,Trương Huy Lực
Diễn viên: Cừu Vĩnh Lực, Dương Hồng Vũ, Trương Tử Kiện, Trương Tiểu Lỗi, Tiêu Đại Thanh
Thể loại: Cổ Trang
Độ dài: 36 Tập
Quốc gia: Trung Quốc
Năm sản xuất: 2000


Thời Chiến Quốc, kỳ nhân Quỷ Cốc Tử có 2 đệ tử tâm đắc là Tôn Tẫn và Bàng Quyên. Nhưng khi 2 người rời núi chỉ Tôn Tẫn mới được truyền "Binh Pháp Tôn Tử", Bàng Quyên vì ham công danh phú quý nên xin Quỷ Cốc tiên sinh xuống núi trước để tìm công danh. Bàng Quyên làm tướng nước Ngụy, vì ghen ghét tài học của Tôn Tẫn đã mượn pháp luật mà trị tội chặt 2 chân, chạm vào mặt để Tẫn phải giấu mình không lộ diện. Sứ giả nước Tề đến đất Lương, Tôn Tẫn lén gặp thuyết phục sứ giả. Sứ giả nước Tề cho là kỳ lạ bèn mang trộm Tôn Tẫn lên xe về Tề. Tướng Tề là Điền Kỵ phục tài, tâu với Tề Uy Vương phong Tẫn làm thầy, cùng với Kỵ đem quân đánh Ngụy. Tẫn ngồi trong xe kín, bày mưu kế cho Kỵ đánh Ngụy phải kiệt quệ.

Mười ba năm sau, Ngụy và Triệu đánh Hàn. Hàn cáo cấp với Tề, Tề lại sai Điền Kỵ làm tướng, Tôn Tẫn làm quân sư đi cứu Hàn. Tôn Tẫn dùng kế "vây Ngụy cứu Triệu" khiến cho tướng Ngụy là Bàng Quyên nghe vậy phải rời bỏ Hàn quay về. Tẫn lại dùng kế giảm số bếp trong quân lừa Bàng Quyên đuổi theo, rồi sau đó sai quân cung nỏ mai phục hai bên đường Mã Lăng, lấy một khúc gỗ to cạo sạch vỏ, lấy than khắc lên dòng chữ: "Bàng Quyên sẽ chết dưới cây này". Sau đó dặn quân lính hễ thấy ánh lửa nổi lên là bắn thẳng vào chỗ đó. Bàng Quyên đuổi đến nơi, thấy có chữ bèn sai quân thắp đuốc lên để đọc. Quyên đọc xong, thất kinh vội sai quân rút nhưng đã muộn. Quân Tề mai phục thấy ánh lửa đốt lên vội bắn như mưa về phía đó. Bàng Quyên bị tên bắn ngã ngựa, sợ bị quân Tề làm nhục vội rút gươm tự tử".

Mời các bạn xem bộ phim , xem theo Playlist YouTube tại đây



Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Ti Vi Đức Mẹ - Tin Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 22/02/2012



Mời các bạn theo dõi Chương Trình Ti Vi Đức Mẹ , mục Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 22/02/2012.


Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Chương trình Ti Vi Ánh Sáng Tin Mừng ngày Chúa Nhật 19/02/2012



Mời các bạn theo dõi Chương trình Ti Vi Ánh Sáng Tin Mừng ngày Chúa Nhật 19/02/2012



Bạn có thể xem lại các Chương trình Ti vi Ánh Sáng Tin Mừng của các tuần trước tại đây

Ti Vi Đức Mẹ - Tin Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 20/02/2012



Mời các bạn theo dõi Chương Trình Ti Vi Đức Mẹ , mục Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ ngày 20/02/2012.


Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Điểm tin tuần ( 12/02/2012 - 19/02/2012 )